Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, đâu đó ở miền quê Bắc Bộ ta vẫn bắt gặp hình ảnh cổng làng của làng quê xưa. Và bất chợt, hình ảnh cổng làng mang đến cho con người ta cảm giác thân thương, yên bình như trở về chính quê hương mình.

Làng quê Bắc Bộ xưa được tạo thành bởi nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo mà cũng rất giản dị. Bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình trong tiềm thức mỗi người, thì cổng làng là một trong những nét riêng không thể thiếu của làng quê Việt xưa. Bình dị, thân thương và đậm nét văn hóa làng, cổng làng gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngôi làng đó.

Sự ra đời của cổng làng trong một làng là sự đánh dấu bước phát triển quan trọng của làng đó: làng đã đủ tuổi, đã trở thành nơi đất lề, quê thói với dân làng nơi đó. Cổng làng là bộ mặt, là biểu tượng văn hóa, thể hiện tư chất, cốt cách và những cái hay, cái đẹp của làng đó. Bởi vậy, dân có nghèo, nhà cửa trong làng có thể sơ sài nhưng cổng làng thì phải được xây dựng đường hoàng.

Kết quả hình ảnh cho cổng làng

Cổng làng mang nét độc đáo riêng của mỗi làng

Làng giàu có, nhiều người đỗ đạt thì dựng cổng lớn, có nóc mái, thêm rồng chầu, hổ phục hay đôi chim phượng. Ở chốn quê nghèo thì cổng làng giản dị hơn, không lớn và cầu kì, không trang trí màu mè. Có làng nghề, làng khoa bảng, làng thuần nông,… tất cả đều được thể hiện ở cổng làng. Chẳng thế mà cổng làng lại thân thiết gắn bó, lại là niềm tự hào của dân làng đến vậy.

Xưa, không ít làng dựng hai cổng. Hai cổng đó gồm cổng tiền, cổng hậu. Cổng tiền thường được dựng theo hướng mặt trời mọc để đón chờ, mong đợi những niềm vui và hạnh phúc. Cổng hậu thì ngược lại, thường dựng hướng về phái mặt trời lặn để những vướng bận, khổ đau theo đó ra đi.

Làng quê Bắc Bộ xưa tương đối khép kín, dân làng chủ yếu tự cung tự cấp trong làng. Không chỉ là bộ mặt của làng, cổng làng còn là nơi giới hạn giữa làng này và làng khác, làng và khu thổ canh của làng đó. Cổng làng như một dấu mốc trong tâm trí người dân Việt xưa. Buổi sáng, cổng làng mở cho dân làng tới khu thổ canh. Khi mặt trời lặn, cổng làng được đóng lại, khó ai có thể ra ngoài làng được.

Thời gian dần đi qua, cổng làng trong tâm thức mỗi người không chỉ là dấu hiệu phân chia giữa các làng mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa của làng quê Bắc Bộ xưa. Cùng với cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần người dân quê.

Hình ảnh có liên quan

Cổng làng trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê Bắc Bộ xưa

Cổng làng thường là nơi dân làng nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc, nơi trẻ con vui đùa hóng mát. Những cơn gió mát lành, những câu chuyện của miền quê, tiếng vui cười của trẻ nhỏ làm con người ta quên đi cái mệt mỏi nơi ruộng đồng. Cổng làng cũng là nơi trao đổi thông tin và giao lưu tình cảm của dân làng, gắn kết người với người lại gần nhau hơn.

Với những người con xa quê, cổng làng là một hình ảnh rất đỗi gây thương nhớ khôn nguôi. Sau những tháng ngày tha phương cầu thực ở nơi đất khách quê người, về tới làng, cổng làng luôn ở đó đón chào những người con trở về. Nhìn thấy cổng làng như nhìn thấy làng, mang lại cho người con xa quê cảm giác bình yên, thân thương đến lạ kì.

Qua bao thăng trầm của thời gian, cổng làng không còn như trong tiềm thức của người dân Việt xưa. Những cổng làng gạch đá rêu phong đang dần chìm vào quên lãng với sự hiện đại của xã hội. Nhưng đâu đó, chúng ta vẫn có thể tin tưởng rằng, cổng làng đã và sẽ luôn giữ vị trí qua trọng trong đời sống tinh thần mỗi người dân Việt.

 

Rate this post