Cùng với tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh làng Sình.. tranh Đông Hồ là môt dòng tranh dân gian đặc sắc, nét độc đáo trong nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam. Với chất liệu tự nhiên và màu sắc gần gũi, ấm áp với đề tài phản ánh đời sống của người Việt..tranh Đông Hồ được xem là công cụ thể hiện nét độc đáo trong văn hóa dân gian của người Việt.
Tranh Đông Hồ được đánh giá cao về tính độc đáo ở màu sắc, bố cục cũng như khuôn hình. Sử dụng những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp mang đậm đặc trưng của người Việt với 4 màu cơ bản: đen, vàng, đỏ, xanh. Chỉ bằng 4 màu sắc cơ bản này, những nghệ nhân vẫn làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo.
Quy trình sản xuất tranh Đông Hồ gồm rất nhiều quy trình phức tạp từ vẽ mẫu, khắc ván, in tranh. Tuy dòng tranh này được sản xuất theo phương thức đại trà, mỗi mẫu tranh được in ra thành nhiều bản khác nhau. Tuy nhiên, những khâu làm tranh đều được làm thủ công hoàn toàn.Chính vì thế, mỗi bức tranh đều thấm đẫm tình cảm và sự chăm chút của những nghệ nhân.
Tranh làng Ðông Hồ không vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người ta dùng ván để in. Chính vì thế, chất lượng nghệ thuật của tranh phụ thuộc khá nhiều vào bản khắc gỗ. Để đem lại những bức tranh tinh xảo mang tính nghệ thuật cao, cần phải có người vẽ mẫu trước. Những người vẽ mẫu và người chế tác bản khắc đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đức tính tỉ mỉ và đặc biệt phải có trình độ kĩ thuật cao. Để có thể hoàn thành một bức tranh, người làm tranh phải rất công phu, và tỉ mỉ với nhiều công đoạn từ sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp. Đặc biệt, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, không được in cùng một lúc vì các màu sẽ bị chồng chéo, nếu 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… đủ để thấy công đoạn in tranh rất phức tạp.
Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, những nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại mà mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Mặc dù sự vật, hiện tượng trong tranh không sát với thực tế đến từng chi tiết, và cũng có khá nhiều tranh trái với thực tế nhưng lại rất sống động, có hồn. Nghệ nhân làm tranh hầu như không quan tâm đến những quy tắc và công thức hình họa mà dụng công để thổi vào đó sự rung cảm của tâm hồn nghệ sĩ với những triết lí nhân sinh… Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện
Chính vì thế, xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lí hợp tình. Nghệ thuật vẽ của tranh Đông Hồ còn mang dáng dấp của nghệ thuật thời nguyên thủy. Điều này càng minh chứng cho tính cổ xưa của dòng tranh này.
Theo chia sẻ của những tin tức nghệ thuật, tranh Đông hồ giữ vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu trong kho tàng tri thức dân gian Việt Nam. Chất liệu hội họa của tranh Đông Hồ mà bất cứ dòng tranh nào khác “cũng không thạo dùng và chưa nước nào có” .Khắc gỗ, in tranh – một nghề thủ công cổ truyền của dân tộc ta từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới biết đến.Nó vừa là một nghề thủ công, vừa là một loại hình nghệ thuật dân gian rất Việt Nam. Giá trị của tranh và bàn tay vàng của nghệ nhân làm tranh dân gian cần được giữ gìn, phát huy và phổ biến rộng rãi.